Pages

Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2015

ANH CÒN TRẺ


Tặng A

Anh còn trẻ, không, anh già có thể
Sợi tóc bạc trên đầu không chịu già như thế
Cứ đòi lại cái xanh thời trai trẻ
Máu dạt dào trong huyết quản hai mươi

Năm tháng đi qua khóe miệng anh cười
Sương gió ứ trong nếp nhăn rạm nắng
Bập bùng lóe trong mắt hiền yên lặng
Rất yêu đời hồn hậu mỗi chồi cây

Năm mươi hai tuổi đời anh tính việc dựng xây
Căn nhà nhỏ đón con về năm tháng
Nào có vạm vỡ đâu mà đôi vai trĩu nặng
Đất nước còn nghèo lắm phải không anh?

Đêm chia tay khói thuốc quyện ân tình
Tôi thầm hẹn thăm quê anh nắng lóa
Dù cái nắng của miền Trung nghiệt ngã
Mà lòng người dìu dịu những yêu thương

Tôi lắng nghe muốn hái cải đêm trường
Từng quả mọng cất vào trong nỗi nhớ./.
Hòa Lạc 8/1985

Gửi thi san “Hương đất Việt”
NGUYỄN THẾ THÊU
CLB thơ Việt Nam Xuân Mai
Chương Mỹ - Hà Nội

NGƯỜI VẪN THẾ


Kính cụ Trần Thủ Độ

Êm êm Lý chuyển sang Trần
Nước non tránh được một làn can qua.
Mãi còn hào khí Đông A
Bầu trời lấp lánh sao xa trập trùng.
Từ Nguyên Phong(1) đến Trùng Hưng(2)
Thần Như Hưng Đạo(3), Chiêu Minh(4), Phụ Trần(5)...
Giữa rừng sao một cao nhân
Âm thầm mở sáng triều Trần vinh quang
Gió từ Lưu Xá(6) gió sang
Lăng Ngừ(7) nép bóng đa làng vậy thôi.
“Đầu thần còn đó chưa rơi...”(8)
Vang trong dòng Thái Sư(9) trôi đời đời
Dành cho con cháu ngôi trời
Giang sơn gánh nặng một đời tùng quân.
Nghiêng mình hậu thế tri ân
Khói trầm, hương tỏa mộ phần ngàn thu.
Hưng Hà, 26/2/2010
Chú thích:
1: Niên hiệu của Thái Tông trong kháng chiến chống Nguyên lần thứ nhất
2: Niên hiệu của Nhân Tông trong kháng chiến chống Nguyên lần thứ 2 và thứ 3
3: Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn
4: Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải
5: Tướng Lê phụ Trần
6.7: Nơi sinh và nơi an nghỉ cuối cùng của Thái Sư Trần Thủ Độ
8: Lời Trần Thủ Độ bày tỏ với Thái Tông trước cuộc kháng Nguyên lần thứ nhất

9: Con sông Thái Sư tổ chức đào để chống Nguyên.

CHIỀU CHI LĂNG


Tôi đến ngõ Thề(1) thuở ấy
Trăng mờ trên núi Cai Kinh(2)
Thung lũng đầm sâu, đêm mênh mang quá
Con tàu gióng lên hồi còi giục giã
Ngỡ hiệu còi cả phá của Chi Lăng
Mã Yên Sơn(3) lặng lẽ ngủ yên nằm
Thái Hòa(4) vọng muôn đời văng ngựa hí
Giọt sương nấp ở trên sườn núi Qủy(4)
Mắt đèn ga: xương phơi nắng thung này

Ngõ thề khép vòng vây
Ơi Lê Hoàn thuở ấy
Tiếng gươm đao còn vang dậy đất này
Trái đạo trời, giặc Tống đã tan thây
Hầu Nhân Bảo(6) run rẩy ngày tận thế.

Trần Hưng Đạo binh thư ngẫm nghĩ
“Dùng đoản binh áp chế trận trường”
Ôi Chi Lăng kiên cường
Nơi ấy giặc phơi xương và tận số
Ba lần đến, quân Nguyên, Mông máu đổ
Hỡi Bắc triều, ta tính sổ cùng ngươi!

Hai thế kỷ trôi qua, bay lại liều lĩnh tới
Mã Yên Sơn, hấp hối Liễu Thăng(7) nằm
Trước khi chết đi trong nỗi nhục nhằn
Ngươi có hận Minh triều không An Viễn(8)?
Sông Thương uốn mềm thung lũng
Nước trào, lũ cuốn hôi tanh
Mùa thu cây xanh, núi xanh, trời xanh
Và mây trắng kéo về nghiêng nghiêng bóng

Chiều Chi Lăng
                   Tàu nhả khói vào ga
Sắc áo lính lẫn vào cây vào lá
Những chàng trai từ Đông Đô, Phú Xuân, Sài Gòn hối hả
Ngược xuôi miền đất biên thùy
Lúa xanh lũng quanh Mã Yên, Hàm Qủy
Cầu nhỏ chênh vênh
Dòng Thương lặng lẽ
Em bước trên cầu
Chiều đi rất nhẹ
Gương mặt ngời trong bóng nước Chi Lăng.
Lạng Sơn - thu đông 1980
Chú thích:
(1) Ngõ thề: Cửa phía Nam, hẹp, độc đạo của vùng Chi Lăng
(2) ,(3),(4),(5): Dãy núi đá phía tây Cai Kinh, dãy núi đất lớn phía đông Thái Hòa và các núi nhỏ trong thung lũng Chi Lăng
     (6): Tướng nhà Tống tử trận ở Chi Lăng
     (7),(8): Tướng nhà Minh trước khi sang xâm lược Việt Nam được phong An Viễn hầu, bại trận ở Chi Lăng, chui vào ống đồng mà chạy.


HƯƠNG TÍCH


I- SUỐI YẾN
Màn sương như lụa, núi xanh mờ
Suối Yến êm đềm chở khách thơ
Sườn núi ngoằn ngoèo lên dải khói
Chắc duyên tình tìm cõi tiên xưa
Con thuyền mải miết trong mơ
Sườn non tiếng hót chim đưa dật dìu
Mây bay cầu Hội nhìn theo
Thuyền ai xuôi ngược, mái chèo, cô em
II- THIÊN TRÙ
Tam sơn dựng một Thiên Trù
Bữa ăn bốn cõi âu lo một đời
          Người xưa chọn một dòng trôi
Nhớ loài chim yến chuyển lời nước non
          Tìm trong bia đá vàng son
Ta tìm trong mắt cháu con thời này
          Vườn bằng nghỉ trước am mây
Người vào thắp nén hương đầy khát khao
III- HƯƠNG TÍCH
          Trông lên trời một vòm con
Mờ sương trắng  khói hương còn tưởng mơ
          Cây cành dệt tấm song thưa
Khiến người trong động cứ ngờ cõi tiên
          Đường vào kẻ xuống người lên
Ngàn năm khát vọng đi tìm yêu thương
IV- TUYẾT SƠN CHƯA TỚI
          Anh chưa đến được thung mơ
Tìm người con gái năm xưa (1) rừng chiều
          Hẹn cùng động Tuyết thân yêu
Chưa nghe đàn đá(2) đã nhiều nhớ mong
          Chắc người xưa(3) chẳng yên lòng
Rừng mơ, em mãi trẻ trung với tình./.
Tháng 4/1987
ghi chú:
1,3 : Cô gái trong bài “Cô gái hái mơ” của Nguyễn Bính
2: Hồi đó có một cô gái rất xinh từ Hải Phòng lên tu ở Tuyết Sơn đánh đàn đá rất hay




PHỐ THÁ



Phố Thá một thời
Mù tung cát bụi
Đường gạch đỏ, đá răm
                             nhức nhối.
Lúp xúp bờ rau mái rạ
Ấm lan khói bêos
Còn da diết mình ơi!

Nơi ấy mái trường (1)
Dãy dài tranh lá
Trống trường âm vang
Mênh mang sau thời giặc giã
Nắng vàng từ cổ tích
Tỏa xuống sân trường trong tuổi thơ ta…

Bốt Thá(2) nhổ rồi
Cỏ bò gạch vỡ.

Đất đồng ải khô
Mùi thơm dâng đầy ô cửa
Lớp chúng mình
Bạn có nhớ nhiều không?
Heo may rụt rè ngoài cửa
Chợ ven hồ (3) mây vẫn nhớ về soi
Tiếng ồn ào đầm ấm sinh sôi
Trái cam chín ngọt như lời chào vậy.
Quán bên đường, bà rót nước trao tay
Tóc đá bạc hao gầy sau kháng chiến
Người chị ẵm đứa con thơ trìu mến
Áo gụ phai mài lấm tấm đất đồng chiêm
Bác canh điền ngủ thật bình yên!
Giấc mơ hiền ngô lúa!

Cô gái hàng cơm
Má trắng mắt đen
Cười trong nỗi nhớ…
Em cười thế
Đông đau còn lạnh nữa.

Phố Thá ngày xưa
Bụi đường bốc đỏ
Ngang chiều
          Vội vã xe qua./.
Duyên Hà 1960
1.     Hồi ấy trường cấp 2 Duyên Hà ở ngân hàng huyện bây giờ
2.     Bốt Thá ở chỗ huyện ủy bây giờ
3.     Chợ Thá xưa lèo tèo bên hồ, nay là khu dân cư gần mặt trận TQ huyện




CÔ GÁI SÔNG TRÀ *



Con thuyền rẽ một trời sao
Đường ra trận một hôm nào tôi qua
Hỡi người con gái sông Trà
Nụ cười em mát phù sa bãi bồi
Đò đêm chở một mình tôi
Tiền đò không nhận chỉ cười chia tay
Gió đùa tà áo em bay
Nhịp nhàng mái đẩy đôi tay mái chèo…

Biên thùy, đêm chốt tiền tiêu
Đầy trời sao nhớ mái chèo phù sa
Nghe ngân nga giữ lòng ta
Ngàn năm sóng nước êm va mạn thuyển…

Ai về thăm bến Tịnh Xuyên**
Mái chèo gõ nước xanh nghiêng đôi bờ
Hỏi thăm cô ấy bây giờ
Có còn chèo những chuyến đò sang sông./.
Lạng Sơn hè 1978
(*),(**): Bến Tinh Xuyên ( nay đã là bến phà) trên sông Trà Lý thuộc xã Hồng Minh, Hưng Hà, Thái Bình.


TẶNG EM NHÉ


Tặng PH

Em vững đấy như cây bàng trước gió
Mỗi độ xuân về lại trổ những chồi non
Bước đường em, anh chúc vẹn tròn
Có chim hót và hoa thơm đầy lỗi

Thương kẻ mạnh cả một thời rong ruổi
Tiếc bông hồng đồng nội ít người qua

Anh đến thăm em, sông Đuống hiền hòa
Nhưng cầu khác xưa rồi, đường cũng khác xưa theo
Anh vội về vì nắng trải thân yêu
Sợ chiều đến, anh nhầm đường lỗi cũ

Tặng em nhé! Một chùm thơ nho nhỏ
Em ạ! Lòng đời tự đã đa đoan.


Yên Viên Hà Nội hè 1984

NỖI LÒNG QUAN BẢNG


Kính cụ Lê Qúy Đôn

Bến bờ Phú Hậu chiều xưa
Trời xanh bóng nước, sóng xô mạn thuyền
Giữa dòng trong đục đòi phen
Nỗi lòng quan bảng - ánh đèn đêm thu (1)
Gió bay trong tiếng chèo khua
Lời nào vang giữa đôi bờ thinh không?
Một đười tính cuộc chấn hưng
Niềm vui “Cấy lúa”(2), “Côn trùng”(3) nỗi đau.
“Bách gia”(4) đã hết nhiệm màu
Nỗi niềm Quản Trọng(5), Vũ Hầu(6) đầy vơi
Từng trang “Tạp lục”(7) bồi hồi
“Vân Đài”(8) nghe lắng một thời tinh hoa…

Ngập ngừng bến nước lời ca
Sóng bâng khuâng nắng chan hòa đồng quê.
Dòng sông dẫn chúng con về
“Quế đường thi”(9) - gánh sơn khê nặng lòng
Một đời gạn đục khơi trong
Mênh mang sóng cả, ngọn tùng trăng soi.

Hà Thành 1986

HỠI TÂY THI


Kính tặng Tây Thi - Phạm Lãi

Hoang đài đây hỡi Tây Thi
Cô thành rủ liễu, trăng đi buồn buồn
Hỡi chàng Phạm, hỡi nước non
Nghìn năm tình thiếp mãi còn khôn khuây./.

Hà Nội, 25.11.2004

Nhân đọc “Tô Đài lãm cổ” của Lý Bạch

VÔ ĐỀ



Khuya về trăng xuống đầy hiên
U trầm ngói ngủ, im lìm bóng cau
Êm đềm gió thổi về đâu?
Vầng trăng muôn thuở, nỗi sầu thiên thu.


Duyên Hà, đêm khuya 12.5.bính tuất (2006)

SUỐI CÁ THẦN LƯƠNG NGỌC


Cẩm Lương, Cẩm Thủy 14.7.2008


Ngầm sâu trong vách đá ra
Tự bao giờ, nước mát sa đều đều
Đất này sinh cá mép điều (1)
Nhởn nhơ năm tháng dập dìu dọc ngang
Nông choèn, trong vắt suối ngàn
Chiều buông, lũ lượt kéo đàn về hang
Bình minh ra đón nắng vàng
Và chơi cùng khách trần gian đổ về
Tiếng rằng cá chúa (2) rất uy
Chừng ba bốn yến ít khi ra ngoài.
Cá thần Lương Ngọc thiên thai
Bâng khuân sơn thủy tạ vài vần thơ
Cây đền Thủy Phủ (3) lưa thưa
Lòng nghe vách núi ngàn xưa vọng về./.

(1): Cá mép điều: Khi còn rất bé giống cá mương, khoảng 0,5kg nó giống trôi Ấn Độ. Càng lớn càng giống cá trắm cỏ trắng về hình dáng nhưng vây đỏ như vây cá chầy to, điểm rất đặc biệt là méo có một đường viền đỏ, rất đỏ, không có loài cá nào có, có lẽ đến nghìn con, con to độ 6kg. Đồn rằng có người ăn cá này mà chết, không ai dám bắt cá và gọi là cá thần.
(2): Dân địa phương đồn rằng có cá chúa có lẽ tới 30 - 40kg, lâu rồi ít ra, có lẽ to quá không chui lọt lỗ đầu nguồn từ vách đá ra.

(3): Đền thờ Thủy Phủ Long vương ở cạnh bờ suối Lương Ngọc tựa lưng vào núi đá.

NGƯỜI THẦY CŨ



Nơi chứa chất buồn vui
Ở sâu cùng đáy mắt
Người thày cũ của tôi
Tháng năm, cay đắng, ngọt bùi
Lá trút - mùa đông ập đến
Chồi non nở biếc - xuân về
Trầm lắng nhiệt thành, thày thấy và nghe
Bao tươi mới nảy sinh trong tâm hồn trẻ
Bao cuồn dại náu mình trong lý lẽ
Nông cạn khoác cho mình cái sắc vè cao kiêu
Cái ác reo cười, lẽ phải trớ trêu
Đời hỗn độn chân thành và giả dối
“Giữ lấy mầm non khi giông bão nổi!”
Thày đâu dám chối từ dầu lắm nỗi truân chuyên
Bền bỉ gieo mầm trí tuệ niềm tin
Dẫu năm tháng gió mưa còn bạc bẽo

Đông đến, thêm người chợt hiểu
Lạnh vào khe cửa đêm đêm
Sương khuya buốt rỏ chân thềm
Tê tái thấm vào không ngủ
Lũ kiến bò quanh trang sách một vòng
Kéo đến bâu đen giọt mỡ
Chúng hò reo nữa
Tiếng hò reo lăn tròn qua nỗi nhớ
Mắt thày sâu dần chấm nhỏ
Đong đầy năm tháng buồn vui
Tháng mười một rồi, nay đã hai mươi
Thày nhận hoa tươi
Cài lên ngực cuộc đời đang đổi mới
Thày cứ nhìn không nói
Tôi hiểu mình có lỗi biết bao nhiêu!


Hòa Lạc, Sơn Tây 20 tháng 11 năm 1986

MÙA THU NGƯỜI LÍNH



Cái lạnh đến thẹn thùng thân áo mỏng
Mùa thu mịn màng trong nước da em
Mặt nước Đồng Mô xanh một khoảng trời êm
Chiều, anh lính đếm bước mình lặng lẽ

Con cá quẫy sóng cuồn trong nếp nghĩ
Lá thu rắc vàng vào ánh mắt mông mênh
Nhớ gì chẳng, một sắc áo đô thành
Hay âm vọng đồng quê ươm đầy nắng…

Hút chấm nhỏ
          Chim bay về núi vắng
Trăng mờ
          Nước lặng
                   Bao la.


Hòa Lạc 1987

CON TẰM



Con tằm rút ruột nhả tơ
Biết to mình xấu, ngẩn ngơ tằm sầu
Một đời ăn biết bao dâu
Đầy năm tháng, tải bây lâu lòng tằm
Những là hóa nhộng yên nằm
Mà trong kén, vẫn trở trăn một đời

Hòa Lạc, Sơn Tây năm 1986




LỜI CA NGỌN CỎ


Lời ca trĩu nặng ngọn cỏ
Gió ngừng chẳng muốn bay đi
Tiếng hát chở ta về với
Bướm đầy lối nhỏ ngày thơ…

Lời ca mãi còn dang dở
Qủa mòng ruối ngọt bao giờ
Gió ơi, vì sao lưỡng lự
Cỏ mềm biếc những thành tơ

Gió chỉ vô tình thôi nhỉ
Lối mòn sao bướm còn mơ
Qủa ruối mọc thành cây ruối
Bờ ao nước lặng trăng mờ

Lời ca mênh mang nhắc nhở
Nhịp cầu, dòng nước ngày xưa.
Ngọn cỏ mềm như ngọn cỏ
Gió về rồi gió bay đi

Chỉ còn nguyên trong ý nghĩ
Muôn ngàn ngọn cỏ reo ca
Ta thấm nắng trời vào lá
Cho mình xanh mãi bao la”./.


Hòa Lạc, tháng giêng 1987